TS Lê Thống Nhất cho rằng các trường đại học sư phạm thừa rất nhiều và còn đang "sống dở, chết dở" thì cao đẳng tồn tại cũng là điều lạ.
Vài năm qua, 32 trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc đều có thực trạng chung về việc không tuyển được sinh viên. Hầu hết trường chỉ tuyển được rất ít sinh viên mà trong đó chủ yếu đăng ký vào ngành sư phạm mầm non.
Một số trường cao đẳng sư phạm cho biết nguyên nhân của khó khăn xuất phát từ việc Luật Giáo dục vừa ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2020 ghi rõ: "Chuẩn của giáo viên tiểu học là phải đại học trở lên".
Nên đóng cửa các trường cao đẳng sư phạm
Ngày 28/8, trả lời VTC News, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, cho rằng nên đóng cửa ngay các trường cao đẳng sư phạm vì thực tế đang chật vật trong vấn đề tuyển sinh. Sinh viên từ các trường cao đẳng sư phạm ra trường cũng vất vả để tìm công việc phù hợp.
Trong khi đó, các trường đại học sư phạm thừa rất nhiều và còn "sống dở, chết dở" thì cao đẳng tồn tại cũng là điều lạ.
"Tôi thấy cần xem lại việc tồn tại của các trường cao đẳng sư phạm. Những trường không tuyển sinh được thì nên chấm dứt việc đào tạo hệ cao đẳng và nên trở thành trung tâm bồi dưỡng giáo viên. Vì theo xu thế hiện giờ, các trường cao đẳng này chỉ có thể làm các trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên thôi", ông Nhất nói.
Về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục khác cho biết Bộ GD&ĐT đang có đề án thay sách và đổi mới chương trình học, trong đó có quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Đặc biệt, các trường cao đẳng sư phạm sẽ được sắp xếp lại và giao nhiệm vụ bổ sung.
"Trong đổi mới chương trình học sắp tới, chắc chắn các trường cao đẳng này sẽ có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý để thực hiện thay sách và đổi mới chương trình", vị chuyên gia này nhận định.
Hệ cao đẳng thành lập trường liên cấp có khả thi?
Từ những khó khăn mà các trường cao đẳng sư phạm đang gặp phải trong vấn đề tuyển sinh, vừa qua, TS Trương Đình Thăng - Phó hiệu trưởng phụ trách Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cho biết trường này đã có đề án lập trường liên cấp trình HĐND và UBND, đang chờ để được thông qua.
Cụ thể, Phó hiệu trưởng phụ trách Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cho hay thông qua đề án, nhà trường xin thành lập trường liên cấp, ngoài đào tạo hệ cao đẳng, trường còn có thể dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông để đội ngũ giảng viên có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có.
Nói về đề án này, TS Lê Thống Nhất cho biết nếu các trường cao đẳng sư phạm tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thành lập trường liên cấp thì tính khả thi tốt hơn và đấy là một cách để tự cứu lấy mình.
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho rằng các trường cao đẳng sư phạm trước hết phải đảm nhiệm tốt sứ mệnh của mình vì nếu thành lập trường liên cấp sẽ làm ảnh hưởng quy hoạch trường ở địa phương.
"Tôi nghĩ các địa phương nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đồng ý cho các trường cao đẳng sư phạm thành lập trường liên cấp. Nếu địa phương đang ít các trường phổ thông thì các trường cao đẳng sư phạm có thể xin mở thêm trường liên cấp. Nhưng tôi thấy việc trường cao đẳng mà hạ xuống thành trường phổ thông rất không hợp lý", nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp nói.
Ngoài ra, TS Vinh cho hay các trường này có thể xin quy hoạch lại thành một khoa của trường đại học nào đó hoặc trở thành trường vệ tinh để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
"Tùy từng tình huống cụ thể sẽ có cách giải quyết khác nhau nhưng theo tôi cần sắp xếp quy hoạch lại để có hướng chung trong quá trình thực hiện. Nếu các trường bắt buộc phải giải thể thì chuyển giáo viên đi làm việc khác, như đào tạo văn hóa cho các trường nghề", ông Vinh chia sẻ.
0 comments:
Post a Comment