Monday, November 6, 2017

Hạnh phúc nhà giáo

"Không phải tiền tài, địa vị cao danh vọng lớn mà hạnh phúc của nhà giáo là được học trò yêu, đồng nghiệp mến, được chứng kiến sự thành đạt của học trò, vui và hạnh phúc với thành công của học trò...", cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) chia sẻ.
Trò thương yêu

Huỳnh Thị Hiếu Thủy, một cựu học sinh của Trường THPT Ngũ Hành Sơn, bồi hồi nhớ lại: "Dù đã ra trường 13 năm nhưng tôi vẫn không thể quên cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên dạy văn của mình. Trong ký ức tuyệt đẹp của tôi, những giờ giảng văn, bình thơ đầy lôi cuốn đã khiến tôi đặc biệt yêu thích cô, yêu thích môn văn và giúp tôi có một kỷ niệm đẹp thời học sinh đó là giải Khuyến khích Quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 31 năm 2002. Đến bây giờ, tôi vẫn còn ấn tượng về câu nói của cô: "Văn học là nhân học, học văn là học làm người".

Còn Đoàn Thị Kim Chinh (tân sinh viên ĐH Ngoại ngữ) vừa mới ra trường có mấy tháng mà đã cảm thấy thương nhớ cô rất nhiều. Kim Chinh là cô học trò đạt giải nhất thành phố môn Văn năm học 2016 - 2017 do cô Thủy bồi dưỡng. Khi được người viết nhờ chia sẻ vài dòng cảm nhận về cô Thủy, rất nhanh chóng em đã phản hồi với "nhiều điều muốn nói" trong sự xúc động mãnh liệt. Kim Chinh cho biết, trước đây em cũng từng không tập trung lắm trong giờ văn. Cho đến khi được gặp cô Nguyễn Thị Thu Thủy, cô đã truyền cho em nguồn cảm hứng với văn thơ một cách gần gũi mà lại chân thành. "Bài học của cô không chỉ khiến học trò muốn nghe cho đến cuối bài giảng mà qua đó ta còn thấy được sự tận tâm trong việc chuẩn bị bài giảng. Cô luôn tạo ra những tiết học không bao giờ căng thẳng nhờ các câu hỏi đầy tính gợi mở và có vấn đề. Cô luôn tìm ra những cách dạy không chỉ giúp học trò tiếp thu được bài giảng mà còn tạo ra hứng thú trong mỗi tiết học", Kim Chinh nói.

Theo lời Kim Chinh, những tiết học văn của cô Thủy không bao giờ có khoảng cách giữa giáo viên và học sinh mà rất gần gũi khi trong bài giảng ấy luôn xen lẫn những cuộc trò chuyện giữa cô và trò. Những câu chuyện mà cô kể cho học trò không chỉ về tri thức mà còn về văn hóa xã hội, những kỹ năng sống cần thiết. "Có những ngày đông lạnh cô lại hỏi han rồi dặn dò: "Trời lạnh rồi đi ra đường mấy em nhớ mặc thêm áo ấm hay khăn choàng vào nhé!". Hay những lần học bồi dưỡng chuẩn bị thi, cô đưa mấy đứa về tận nhà dạy, xong còn được cô nấu cho những món ngon để bồi bổ và giải tỏa căng thẳng. Rồi còn được nghe cô động viên, dặn dò không nên tạo áp lực mà cứ tự tin thi, cô tin chúng em sẽ làm được. Lúc ấy, đối với em, cô ân cần, chu đáo biết bao, thấy thế lại càng thương cô hơn mà cố gắng học tốt", Kim Chinh xúc động kể.

Còn Văn Thị Khánh Linh (học lớp 12/1) tâm sự, khi biết tin năm cuối này môn Văn sẽ do cô Thủy dạy cả lớp đã nhảy lên ăn mừng, bởi đã được nghe nhiều về cô. Giờ được học văn của cô cả lớp  rất mãn nguyện.

Đồng nghiệp mến

Gắn bó với Trường THPT Ngũ Hành Sơn từ những ngày đầu thành lập, khi trường còn muôn vàn khó khăn, cô Thủy đã để lại nhiều dấu ấn trong hành trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường. Sự xả thân vì công việc, không ngại khó ngại khổ cùng lối sống hòa đồng, chân chất giúp cô Thủy chiếm trọn niềm tin và sự yêu mến của đồng nghiệp.

Điều đáng quý nhất ở cô Thủy chính là tinh thần gương mẫu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn cho mình. Nhiều năm qua, cô Thủy luôn đứng ra nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Và, năm nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhiều giải thưởng. Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Thủy vinh dự là 1 trong 20 giáo viên nhận giải thưởng Nhà giáo Võ Trường Toản năm 2017 (do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức).

Nhận xét về người đồng nghiệp cùng tổ, cô Hoàng Thị Quỳnh Giao cho biết: "Tôi muốn nói về cô Nguyễn Thị Thu Thủy như một người "chị cả" của tổ Văn. Chị là một người có chuyên môn vững vàng. Mỗi khi có khúc mắc, chúng tôi thường trao đổi với chị và bao giờ cũng học được nhiều điều. Đáng quý nữa là chị không bao giờ bảo thủ trong chuyên môn mà luôn đổi mới sáng tạo. Những ý kiến đổi mới của đồng nghiệp trẻ luôn được chị khen ngợi, động viên và nhân rộng".

Trò chuyện, cô Thủy chia sẻ rằng hạnh phúc của nhà giáo là khi được học sinh thương yêu, đồng nghiệp quý mến, và phụ huynh tôn trọng; được cùng học trò khám phá bài học mới; được thấy các em trưởng thành, vui và hạnh phúc với sự thành công của học trò... Với cô, việc dạy học xuất phát từ trái tim nồng ấm yêu thương, phải tạo ra được sự gắn kết giữa giáo viên và học trò để hướng đến không chỉ thành quả tốt trong học tập mà giúp hình thành nên những nhân cách tốt.

Thành công trong công tác giảng dạy, cô Thủy còn là người phụ nữ của gia đình. Các con đều chăm ngoan, học giỏi. Đứa lớn hiện giờ là sinh viên giỏi của Đại học Ngoại ngữ, hai con trai sinh đôi năm nào cũng đạt giải cấp quận, thành phố cả về văn hóa lẫn thể thao.

Hạnh phúc nhà giáo Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Blogger

0 comments:

Post a Comment